Dưới góc nhìn của một huấn luyện viên đang làm công tác đào tạo trẻ, vụ việc ông Ngô Quang Trường đánh học trò sau màn ăn mừng khiêu khích đối thủ là sự nghiêm khắc cần thiết để giáo dục các cầu thủ trẻ.
Trận đấu giữa U15 Sông Lam Nghệ An và U15 Viettel tại bán kết giải U15 Quốc gia 2023 (hôm 21.8) chứng kiến sự việc huấn luyện viên Ngô Quang Trường đánh cầu thủ Ngô Anh Đức bằng chai nước (rỗng) ngay trên sân.
Nguyên nhân xuất phát từ màn ăn mừng khiêu khích của Anh Đức về phía ban huấn luyện đối phương. Trước hành động vô lễ của học trò, ông Ngô Quang Trường tức giận, lập tức dạy dỗ học trò và sau đó bắt tay, xin lỗi Trưởng đoàn Nguyễn Hải Biên của U15 Viettel.u trận đấu, huấn luyện viên Ngô Quang Trường đã chia sẻ với truyền thông: “Đây là bài học cho các vận động viên trẻ, ban huấn luyện chúng tôi phải dạy đạo đức hàng đầu rồi mới đến chuyên môn. Không chỉ Anh Đức mà toàn đội cần phải rút kinh nghiệm sau hành động này”.
Vụ việc này cũng tạo ra những luồng dư luận trái chiều liên quan đến cách hành xử của huấn luyện viên và cầu thủ. Dù vậy, dưới góc nhìn của những người làm công tác đào tạo trẻ, họ có quan điểm rõ ràng.
Trao đổi với Lao Động, một huấn luyện viên làm công tác đào tạo trẻ lâu năm – cho biết: “Nếu xảy ra trường hợp cầu thủ khiêu khích, đá láo, đá bậy… thì ban huấn luyện phải nghiêm khắc ngay từ đầu.
Theo tôi, hành động của anh Ngô Quang Trường là một sự nghiêm khắc cần thiết, đúng đắn, nhưng chỉ là một khoảnh khắc nóng nảy trên sân. Tuy nhiên, sự khắt khe như vậy sẽ giúp các cầu thủ mới nhìn nhận được hành vi sai lệch của mình để kịp thời sửa chữa, hoàn thiện”.
Ông nói thêm: “Sau khi kết thúc trận đấu, thường sẽ có một cuộc họp đội. Lúc đó ban huấn luyện sẽ phân tích, chỉ bảo cầu thủ về từng tình huống trên sân. Cầu thủ trẻ khi thi đấu cần tôn trọng khán giả, tôn trọng đối thủ và tôn trọng chính các đồng đội của mình. Tôi tin là anh Trường sẽ có những phân tích để học trò hiểu hơn”.
Liên quan đến công tác đào tạo trẻ, vị huấn luyện viên này cho hay: “Quan điểm của tôi khi huấn luyện các cầu thủ trẻ là phải uốn nắn, giáo dục ngay từ đầu. Riêng với lứa tuổi U15 trở lên thì cần sự khắt khe hơn.
Nếu các em có hành động phản cảm, vô lễ, tôi cho rằng không được nhân nhượng, phải răn đe nghiêm khắc. Những điều này sẽ giúp cầu thủ trưởng thành hơn, chứ không ảnh hưởng đến tâm lý. Cha mẹ học trò không dạy nên người thì để tôi dạy các em ấy cho nên người.
Với các lứa trẻ, việc huấn luyện ở độ tuổi U15, U17 là áp lực nhất, bởi cầu thủ chưa làm chủ được bản thân, bốc đồng, chưa suy nghĩ chín chắn. Tuổi này là tuổi khó bảo nhất.
Huấn luyện viên như tôi phải biết lúc nào cần nhẹ nhàng, lúc nào cần khắt khe. Trong một đội bóng có nhiều cá tính khác nhau, phải nắm bắt tâm sinh lý của từng người để đưa ra phương án chỉ bảo phù hợp. Đó là khó khăn của các huấn luyện viên đào tạo trẻ”.
Nguồn: Báo Lao Động