Nỗi đau quá lớn sau vụ sập cầu Phong Châu

Điều kiện thời tiết xấu, nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết khiến việc tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) gặp nhiều khó khăn

Khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9-9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng (nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (thuộc địa bàn huyện Tam Nông). Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông, kéo đổ trụ T7, làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu.

“Còn ít nhất 10 người dưới dòng sông”

Công an tỉnh Phú Thọ thông tin tại thời điểm sập cầu, có 1 ô tô tải, 2 ô tô đầu kéo, 6 mô tô và 1 xe máy điện đang di chuyển trên cầu, bị rơi xuống sông. Số nạn nhân gặp nạn khi sập cầu hiện chưa thể xác định chính xác. Đến thời điểm hiện tại, có 2 nam thanh niên bị rơi xuống mố cầu được cứu sống; 1 người đàn ông đi xe máy, rơi xuống cầu may mắn được cứu và đưa vào bờ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, các lực lượng chức năng của tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ GTVT, Quân khu 2… khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn; cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông và bảo đảm an ninh, trật tự. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương vào cuộc, sớm khắc phục thiệt hại.

Nỗi đau quá lớn sau vụ sập cầu Phong Châu- Ảnh 1.

Tại hiện trường, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận nhịp cầu bị sập trôi xuôi về phía hạ lưu, cách vị trí ban đầu khoảng 100 m. Một ô tô tải bị mắc kẹt dưới nhịp cầu, trong dòng nước chảy xiết. Từ trưa đến chiều tối 9-9, tại Phú Thọ tiếp tục có mưa, nước sông Hồng dâng cao, chảy mạnh, địa bàn rộng khiến công tác tìm kiếm, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh trước mắt cần nắm bắt chính xác số lượng người và phương tiện thiệt hại. Về phương án tìm kiếm, cứu hộ, Phó Thủ tướng yêu cầu tạm thời tìm kiếm quanh bờ sông, nếu điều kiện cho phép sẽ dùng các biện pháp kỹ thuật khác. Nhấn mạnh phải bảo đảm lưu thông cho người dân, Phó Thủ tướng chỉ đạo xem xét làm cầu phao hay phà để tiết kiệm thời gian.

Tại hiện trường, báo cáo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, cho hay “còn ít nhất 10 người dưới dòng sông”. Cơ quan chức năng đang trích xuất camera nhà người dân, camera hành trình của các ô tô và kết hợp với thông tin của người dân trình báo về việc người thân mất liên lạc để xác định số lượng người và phương tiện gặp nạn.

Công an tỉnh Phú Thọ cũng phát thông báo khẩn truy tìm tung tích, thông tin nạn nhân liên quan vụ sập cầu Phong Châu; lập tổ tiếp nhận thông tin khẩn cấp 24/24 giờ. Trưa 9-9, một số người dân đã đến hiện trường trình báo với lực lượng chức năng về việc gia đình có người thân mất tích.

Đang triển khai công tác tìm kiếm, lãnh đạo Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ cho biết đã cử 455 cán bộ, chiến sĩ, xuồng máy phối hợp cùng các phương tiện của công an tỉnh để ứng cứu phương tiện, người dân không may gặp nạn. Song do nước sông lớn, chảy mạnh, việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Đến 19 giờ cùng ngày, lực lượng quân đội, công an đã dựng xong trại dã chiến gần khu vực hiện trường để tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn.

Ngóng chờ người thân

Vội vàng chạy đến hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, chị T. bật khóc khi dự đoán nhiều khả năng người em rể của chị – anh Hà Quốc C. (SN 1986, ngụ TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) – là tài xế lái ô tô đã bị rơi xuống sông khi sập cầu. “Dòng nước lớn như thế này sao mà cứu được em đây, em ơi…!” – chị T. khóc nghẹn.

Chị T. cho biết khoảng 9 giờ sáng 9-9, anh C. vẫn gọi điện cho vợ là em ruột chị. Sau đó, khi biết thông tin sập cầu Phong Châu, em gái chị đã gọi điện thoại cho chồng nhưng không liên lạc được. Linh tính chuyện chẳng lành, gia đình chị T. vội đến hiện trường. Tay không cầm nổi chiếc điện thoại vì run, lo lắng cho em, chị T. chốc chốc lại lấy tay gạt nước mắt, nhìn nhịp cầu nằm bất động dưới lòng sông đang chảy xiết với hy vọng mong manh. “Nếu em đi qua cầu chậm vài phút thôi thì đã không gặp việc đau lòng như vậy” – chị T. nghẹn ngào.

Nỗi đau quá lớn sau vụ sập cầu Phong Châu- Ảnh 2.

Là một trong những nạn nhân được cứu sống, tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, anh Nguyễn Minh Hải (ngụ huyện Tam Nông) kể lại khoảnh khắc sinh tử. Khoảng 10 giờ sáng, anh Hải chở theo anh Bùi Quý Trọng (ngụ huyện Tam Nông) di chuyển qua cầu Phong Châu theo hướng từ huyện Lâm Thao về huyện Tam Nông. Khi đang đi với tốc độ 20 km/giờ được 2/3 cầu, anh thấy có dấu hiệu rung lắc và chỉ một giây sau thì cầu sập. “Chúng tôi cùng xe máy rơi xuống sông. Theo phản xạ, tay tôi vẫn nắm chặt tay lái xe máy, còn Trọng ngồi im phía sau. Lúc đó nước sông dâng cao, chảy xiết song chúng tôi rất may rơi vào mố cầu nên thoát chết” – ảnh Hải nhớ lại.

Thoát chết trở về, anh Phan Trường Sơn (ngụ huyện Tam Nông) không thể quên khoảnh khắc kinh hoàng thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. “Khi tôi đang đi thì nghe thấy tiếng động lớn phía sau, cứ nghĩ là xe tải trọng nặng đang chạy. Chưa kịp phản xạ quay lại thì cả người và xe rơi xuống nước. Tôi cố hết sức ngoi lên khỏi mặt nước nhưng vẫn không nghĩ mình sống sót được, sau đó thì bám vào được một cây chuối trước khi được cứu đưa vào bờ” – anh Sơn kể.

Cử tri từng kiến nghị nâng cấp cầu Phong Châu

Theo Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, cầu Phong Châu được xây dựng, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995; sửa chữa vào các năm 2013, 2019 và 2023. Tại lần gần nhất vào năm 2023, cầu sửa chữa, tẩy gỉ, sơn lại toàn bộ thanh mạ thượng, thanh đứng, thanh xiên; thay thế khe co giãn trên trụ T5, T6, T8 bằng khe co giãn răng lược và sửa chữa phần bê-tông phía trước khe đã bị nứt vỡ; kiểm định cầu.

Đáng chú ý, tháng 8-2022, cử tri tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng hai cây cầu mới nhằm thay thế cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ trên địa bàn tỉnh. Trả lời, Bộ GTVT cho biết với nguồn vốn đầu tư công được phân bổ, bộ phải bố trí cho nhiều dự án trong giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời ghi nhận kiến nghị và sẽ quan tâm ưu tiên đầu tư khi cân đối được nguồn lực.

Tang thương chất chồng

Sau 2 ngày điều trị ở Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), vừa trở về nhà ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, ông Châu A Chùng vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi, thất thần trên gương mặt.

Ông Chùng kể trưa 8-9, khi đang ngủ trong nhà thì nghe thấy tiếng nổ rất to, sau một vài giây cảm thấy “tối tăm mặt mũi” thì không còn biết gì nữa. Ông bị lũ đất cuốn phăng, văng xa đến 200 – 300 m, rồi may mắn vướng vào gốc cây ở ven bờ ruộng bậc thang nên thoát chết. Nhưng đau đớn thay, mẹ ông là bà Vàng Thị Mảo đã bị lũ đất cướp đi sinh mạng, thi thể bầm dập vì va đập trong dòng lũ xiết.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, con gái ông Chùng là Châu Ngọc Lan thì mất tích, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Con trai cả Châu A Sinh cũng gánh nỗi đau không biết bao giờ nguôi khi vợ anh là Vàng Thị Cá và con trai Châu Gia Hưng mới hơn 1 tuổi bị lũ cuốn trôi, vùi lấp. Khi lực lượng cứu hộ tìm thấy, hai mẹ con vẫn còn ôm chặt nhau trong lấm lem bùn đất, không ai cầm được nước mắt… “Bao nhiêu đời người dân ở đây sinh sống, làm ruộng bậc thang, làm vườn, lên núi thả trâu, chăn dê… Không ai ngờ ngọn núi sụp xuống nhanh thế, như bàn tay dữ xóa hết mọi thứ. Đau quá!” – ông Chùng nấc nghẹn.

Tỉnh lộ 152 nối từ thị xã Sa Pa đến xã Mường Hoa bị sạt lở “lốm đốm” nhiều điểm nên đi lại rất khó khăn. Nhiều chiến sĩ công an, bộ đội cùng dân quân và thanh niên từ thị xã Sa Pa đi bộ vào thôn Hòa Sử Pán 1 để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ngay trong đêm đầu tiên sau vụ sạt lở, các thầy cô giáo ở Trường Dân tộc bán trú Mường Hoa đã nhường nơi ở, giường chiếu và nấu cơm cho người bị nạn. Lãnh đạo địa phương cũng có mặt ở hiện trường, đến từng nhà và bệnh viện để thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người bị nạn.

Quốc Hồng

Advertisement

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

G-6DZ4XLCPXX