Khi nào dừng lại:
“Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình.”
Y phục và ăn uống:
“Con tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho con sẽ không nhận. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì con dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối con dừng lại tắm rửa.
Buổi tối, con thường nghỉ ngơi bên đường, những lúc muốn đi vệ sinh thì ghé vào các cây xăng. Đối với con thì tất cả hành trình đi bộ đều không khó khăn. Khi di chuyển, nếu tâm mình an lạc, hạnh phúc và vượt qua được những trắc trở thì sẽ cảm thấy không còn bất cứ trở ngại gì ở phía trước nữa.”
Về sự kiện người dân đi theo mấy ngày qua:
“Nếu mọi người đi theo mình để tập bộ hành, rèn luyện sức khỏe, bước thẳng hàng, giữ yên lặng trật tự thì tốt. Còn tập trung chen nhau xô đẩy để ghi hình, phát trực tiếp, la ó lộn xộn thì không nên, bởi việc tạo ra ồn ào sẽ gây ra sự khó chịu cho những người xung quanh. Quá trình đi bộ, có nhiều người mang áo giống nhà sư đi theo nhưng họ không phải đệ tử của con, nhưng nếu ai muốn đi cùng thì con cũng không cản.
Thỉnh thoảng nghỉ ngơi trò chuyện, con luôn khuyên họ nhớ xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà. Còn nếu ai đó phát tờ rơi hay nhận tiền bạc rồi nói con chung với họ là không đúng.
Đồ đạc con tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ hay nhận tiền thay. Họ nhận thì họ tự chịu, ai làm tự nhận lấy hậu quả và bị xử lý.”
Về cha mẹ:
“Dù không liên lạc với gia đình suốt 6 năm qua bởi không đùng điện thoại, mạng xã hội, nhưng lúc nào con cũng nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ.
Bản thân con luôn tâm niệm làm theo lời Phật dạy để đền ơn, cầu nguyện cho người thân, gia đình được may mắn, bình an. Không có tài sản, vật chất, nhưng con cho người thân niềm tin là không bao giờ làm khổ họ, ví dụ như không để xảy ra vi phạm pháp luật hay làm ảnh hưởng tới các tổ chức Phật giáo.”
Đọc những câu trả lời của Sư Thích Minh Tuệ tôi cảm nhận rõ về trí tuệ uyên thâm, ý chí nghị lực phi thường và tấm lòng từ bi bao la của bậc tu hành
Xin gửi đến Sư một chữ “Thương!” của người luật sư nhỏ bé này
P/S: Hình ảnh báo VnExpess đăng và nội dung trên tôi trích ra từ báo nhưng chỉ nêu những câu trả lời để người đọc rõ dễ hiểu!